Phần 4: SỰ NGHIỆP DỰNG GIA PHẢ CHO CÁC DÒNG HỌ LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ KHOA HỌC

CACH DUNG BO GIA PHA HOAN CHINH phan 4

Dưới đây là những nội dung trong cuốn sách “Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh” do nhóm chuyên viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM biên soạn. Mong rằng cuốn sách sẽ ít nhiều giúp ích cho bạn đọc. Công trình của nhóm tác giả gồm: Võ Ngọc An, Võ Văn Sổ, Phan Kim Dung, Nguyễn Hữu và Trần Kim Xuyến.

SỰ NGHIỆP DỰNG GIA PHẢ CHO CÁC DÒNG HỌ LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ KHOA HỌC

Có một sự nghiệp mới mẽ và hấp dẫn:

Dựng gia phả cho các chi họ, dòng họ Việt Nam. 

Tù truớc tới nay, việc dựng phả chỉ do từ một hoặc hai nhân vật có học trong dòng họ đứng ra làm. Đây là lần đầu tiên, một Trung tâm chuyên về việc dựng phả cho các dòng họ ra dời và tổ chức triển khai công việc với nhiều tâm huyết. “Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng” đã trở thành phương châm cao đẹp của một trung tâm.

Tôn thờ tổ tiên là để ‘vĩnh tồn tôn thống’, là một niềm tín, một tín ngưỡng – tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, gắn với tâm linh, với vận mệnh của dòng họ và của đất nước. Dòng họ có từ xa xưa trong lịch sử, và phát triễn cho tới vô cùng về sau, với những con người và sự việc cùng một ông tổ, theo qui luật hôn nhân và di truyền, tiếp nối, kế tục, phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống lao dộng, chiến đấu, bảo vệ đất nước, cùng với các dòng họ khác mà ta gọi là đồng bào, để xây dựng cuộc sinh tồn mãi mãi về sau..

Mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp. Hồ Chí Minh là:

– Phục hồi ngành gia phả Việt Nam,

– Dựng phả cho các dòng họ.

Gia phả Việt Nam có lịch sử gần ngàn năm, không kể giai đọan huyền phả – giai đọan có phả, đánh dấu bởi quyển phả đầu tiên là bộ “Hòang Triều Ngọc Điệp”, đời Lý Thái Tổ, năm 1026, tới giai đọan phát triển các đời vua sau đó Lý, Lê, Trần, Trịnh, Nguyễn, cho đến gần cuối nhà Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thì môn gia phả cũng suy sụp theo.

Ngày nay, đất nước đổi mới, chúng ta kêu gọi “phục hồi ngành gia phả”, để “giữ gìn bản sắc dân tộc”, “về lại với cội nguồn”, là cách xử sự đúng đắn và hợp lý. Chúng ta có dự kiến dựng ở mỗi xã, ấp một bộ gia phả để làm mẫu, bà con dòng họ có thể theo đó bắt chước làm theo.

Muốn phục hồi một sự nghiệp, là phải bắt tay vào công việc một cách cụ thể, thiết thực: đó là việc dựng phả cho các chi họ. Mục tiêu và các bước đi, trải nghiệm qua mười mấy năm trong thực tế, đã chỉ ra việc dựng phả cho các dòng họ là rất đúng đắn, các dòng họ hoàn toàn ủng hộ; các nhà khoa học nhiệt tình giúp ý kiến, động viên; các cơ quan quản lý nhìn nhận từng bước.

Tuy nhiên phải hiểu ngay vấn đề là không phải chỉ một đơn vị tiến hành một cách đơn độc, mà Trung tâm phải được xã hội đồng thuận, cùng hưởng ứng, đề ra những loại công việc, để những nhà chuyên môn cùng làm, để mọi gia đình cùng làm v.v. Chúng ta rất phấn khởi, các dòng họ như họ Phan, họ Vũ/Võ, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Đào, họ Trần, họ Lê…, lần lượt cùng hội kết với nhau, tạo thành những Ban liên lạc họ tộc, đã tìm về, qui tụ lại với qui mô cả nước, hoặc từng tỉnh, thành phô, có nơi tới huyện, xã; đã hấp thu cả người Việt ở nước ngòai và có những chuơng trình xây dựng dòng họ, dựng nhà thờ tổ, xuất bản sách về dòng họ, đã thể hiện yêu cầu to lớn là dựng các bộ gia phả cho các chi họ của mình. Họ đang bắt tay vào, hoặc nhờ đến Trung tâm dựng phả cho họ, và tốt đẹp thay ở hoàn cảnh và các điều kiện xa gần khác nhau như thế nào, họ tộc phức tạp như thế nào, chúng ta cũng đáp ứng họ một cách hoàn hảo!

Thành lập và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả 

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, nơi hầu hết các họat đông kinh tế, văn hóa là rất phong phú, đa dạng, năng động và sáng tạo. Việc thành lập Trung tâm Gia phả cũng là điều mới. Nông dân ta đã được giải phóng, tự do, làm chủ thì trong đó cũng phải có quyền hoàn toàn nắm biết về lịch sử dòng họ mình, tức phải có gia phả.

Từ năm 1992 đến nay được 16 năm, ban đầu với danh xưng  là “Nhóm gia phả” mà bây giờ là Trung tâm gia phả ra đời. Ba vị: Giáo sư Mạc Đường, nhà nghiên cứu gia phả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chịu đứng ra làm Ban cố vấn, đã cho ý kiến thấu đáo, chính xác về đường hướng và phương pháp dựng phả. Khởi sự là khó khăn, xác định mục tiêu, xem như cương lĩnh của nhóm là đúng; cấu trúc, bố cục bộ gia phả là đúng; cách viết phả ký là phức tạp, phả hệ dựng ngang hay dựng dọc, ngoại phả và phụ khảo phân định như thế nào…là những vấn đề tiên quyết cho các bước về sau.

Đi vào thực hiện, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã có những bước đi đúng. Cách đi vào dân, đi tìm hiểu thực tế ở các dòng họ, cách tiếp cận, bắt mối với những người am hiểu trong họ, cách hỏi – phỏng vấn và ghi chép, chụp ảnh, tiếp nhận tư liệu, vừa là kỹ năng, vừa là nghệ thuật, ghi như thế nào là chi tiết, đầy đủ, không phải đi lại một vòng nữa.

Các chuyên viên đi làm, phải vận dụng rất nhiều năng lực, họ phải vào các kho lưu trữ, thư viện để có thêm tư liệu.

Các bộ sách hoặc tài liệu lưu trữ như địa bạ, sổ bộ đời, các lần di dân trong lịch sử, là những tài liệu quý giá.

Trong 16 năm, Trung tâm đã dựng tổng cộng 90 bộ gia phả cho các chi họ, phần lớn là ở phía Nam, cũng có những bộ ở miền Trung và miền Bắc. Đây là những tác phẩm với kỳ công của nó.

Có trường hợp đi xa như đi thực hiện bộ gia phả Phạm Duy ở Quảng Trị, ở đây ta mới ghi nhận và phản ánh đuợc tổ quán, mồ mả, nhà thờ họ, bến sông, đường làng, đình, miếu, chợ một cách giản đơn…, Việc bắt được nhịp sống, cách sống của dòng họ và các dòng họ cùng sống chung từ xưa tới nay là phải kiên trì. Làm sử cho dòng họ là phải tới tận quê (tổ quán) của dòng họ đó, phải quan sát, phân tích, tổng hợp, ghi chép, đúc kết và nâng lên theo một giọng văn, cách viết sử gãy gọn, chững chạc, đầy đủ, luôn là ước muốn của Trung tâm.

Chúng ta có một đội ngũ làm công việc dựng phả, đến nay xem là có tay nghề tương đối vững vàng, tự dựng một bộ gia phả hòan chỉnh, với tư cách là nhà nghiên cứu trung thực, khách quan, tận tụy vì công việc. Tuy nhiên ta vẫn thấy là mình phải cần rèn luyện nhiều hơn nữa, nhứt là về phẩm chất của người nghiên cứu.

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả hình thành hai tổ chức song hành: một, Chi hội Nghiên cứu và Thực hành gia phả & hồi ký, là những người có đủ năng lực được Trung tâm giới thiệu tham gia vào Hội Nghiên cứu Khoa học và Lịch sử TP.HCM; hai, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả & hồi ký, là tòan bộ những thành viên của Trung tâm hiện nay, họ họat động với sự chọn lọc và được mời vào Trung tâm, hoạt động theo cơ chế nhận việc, báo cáo kết quả công việc để được nhận xét, đánh giá con người.

Nói chung, chất luợng các bộ gia phả là khởi sắc hẳn lên, từ các phần trong mỗi đoạn, như phần về đặc điểm tính chất ưu việt mỗi dòng họ, phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa (trong phần phả ký), xuất phát từ quan điểm nhận định, với tính khái quát rất cao: “dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng” do Bác Hồ đã chỉ ra, thì mỗi dòng họ ở đấy có những đặc điểm ưu việt nào; về hành trạng, công tích của những thành viên trong gia phả, thí dụ chúng ta đã biết chắc cụ Nguyễn Văn Ruộng, người làm thủy lợi, sử dụng xáng thổi để làm kinh An Hạ, Củ Chi, cách đây 100 năm…

Hai loại hình tổ chức nêu trên, gắn liền nhau, tức là thế và lực bổ sung cho nhau, tính uyển chuyển và tính chặt chẽ đều phát huy tác dụng.

NHỮNG ƯU KHUYẾT ĐIỂM

  1. Trước hết phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ vai trò, vị trí và nội dung dòng họ, gia đình:

Gia đình – dòng họ là đối tương của gia phả. GĐDH có trước, gia phả có sau. Nội dung của GĐDH nhứt định sẽ được phản ánh qua gia phả. Ta hiểu một dòng họ càng sâu sắc thì nội dung của gia phả đó sẽ chi tiết, tỉ mỉ, toàn diện.

Chúng ta cho rằng có lịch sử GĐDH, đồng thời cũng có văn hóa GĐDH. Cả dân tộc Việt Nam là một đại gia đình vì “cùng một mẹ sinh ra”. Do quan hệ hôn nhơn, cha và mẹ cưới nhau, gặp nhau đẻ ra con cái và lập thành một gia đình. Nhiều gia đình, theo qui luật di truyền, cùng một ông/bà tổ, cùng huyết thống – thành  một dòng họ.

Gia đình hạt nhân truyền thống Việt Nam không chỉ dựa vào tình yêu vợ chồng không thôi, mà trước hết xác định vai trò của cha và mẹ, là người nuôi nấng, dạy dỗ con từ thơ ấu, lớn lên dựng vợ, gả chồng, cho ra riêng, lập nghiệp với cả khả năng và tình yêu thương vô bờ của mình. Dựng phả, ta chú ý đến gia tư, gia bản của họ. Phải có của riêng mới thành nhà, là của chung của vợ chồng, “của chồng – công vợ” là thiêng liêng và là một chân lý. Nhưng vợ phải có quyền nhiều hơn, tuy người Việt Nam không có thói quen “của anh anh mang, của nàng nàng xách”, mà là: Một trăm chìa khóa em đeo, việc giang san anh gánh, sự đói nghèo mặc em.

Phải chú ý, nhìn sâu đến gia thất, gia đường, đến nhà trong của người ta. Cái nhà không chưa đủ, phải có cái buồng kín cho việc riêng tư vợ chồng, nếp nhà là như vậy.

Đường cũng là nhà song nó thiêng liêng hơn.

Làm suôi, tiếp bạn quí là tiếp giữa gia đường vì chỗ trang nghiêm, có bàn thờ gia tiên, chứng tỏ là gia đình có trên có dưới; có gia đạo, gia  lễ, gia pháp, gia phạm, câu chuyện đằm thắm và luôn chín chắn.

Định nghĩa gia đình Việt Nam:

– Là tổ chức cơ sở với những người cùng huyết thống và nghĩa tình (có chàng rễ, cô dâu) liên kết lại với nhau;

– Là một tổ ấm cả về tinh thần lẫn vật chất cho những người sống trong đó. Ông Boutros Ghali, tổng thư ký LHQ nêu: “Gia đình là nơi ẩn náo của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương”

– Nó có chức năng lớn nhứt là giáo dục;

– Là một trong những nơi tạo ra của cải vật chất để nuôi sống người trong gia đình;

– Là nơi sinh con đẻ cái;

– Là nơi sản sinh và duy trì văn hóa dân tộc.

Lịch sử dòng họ là sự đúc kết từ lịch sử gia đình. Điều mà khi ta làm gia phả đã từng nêu và nay cũng là một hướng để nghiên cứu dòng họ. Định vị, phân giai đọan cho các thời kỳ của gia đình là khó. Từ lúc chế độ quần hôn tan rã, hình thành chế độ thị tộc, một vợ một chồng, với Lạc Long Quân – Âu Cơ, chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ, nhà nước Văn Lang, với 18 đời vua Hùng và dòng họ ra đời. Lúc khởi đầu, người Việt Nam ta có lẽ chỉ biết có mẹ, như Mẹ Âu Cơ mà không biết có cha. Lê Hòan, Lý Công Uẩn tìm ra người cha cũng chưa có, mãi mấy thế kỷ sau, sách Lĩnh Nam Trích Quái kể khi dân chúng bị thủy quái phá hại, mới gọi Lạc Long Quân, Bố ơi! Về cứu chúng con.

Phùng Hưng được dân gọi là Bố cái Đại vương.

Thời Hùng Vương có tự do kết hôn, như Sơn Tinh – Ngọc Hoa, Chữ Đồng Tử – Tiên Dung. Thời An Dương vương có Trọng Thủy ở rể, có Lỗ Quốc đổi họ ra họ Võ của Võ Trung.

Họ (của dòng họ) có lẽ họ có từ khi nầy?

Từ thế kỷ thứ XV, việc xác lập xã hội phong kiến, tôn sùng Nho giáo, thì gia đình Việt Nam bắt đầu ổn định, việc tu thân, tề gia, xây dựng gia đình theo khuôn phép được coi như một mẫu ngàn đời.

Từ cuối thế kỷ thứ XIX đến cách mạng tháng Tám, gia đình có nhiều thay đổi. Nước mất, quyền lực gia đình cũng sa sút; lại xuất hiện những loại gia đình mới: gia đình làm việc với chính quyền thực dân, gia đình tiểu tư sản.

Với các nghề mới, con cái được đi học, du học chữ Tây, chữ Quốc ngữ; làm quan, hình thành người theo tân học, làm thầy thông, thầy phán,“phi cao đẳng bất thành phu phụ” … gia phong, gia lễ, kỷ luật gia đình xáo trộn.

Thế kỷ thứ XX, phong trào Âu hóa phát triển, báo chí lúc ấy kêu gọi “phong hóa”, đòi “giải phóng phụ nũ”, có người còn đòi “thủ tiêu gia đình”, như Phan Văn Hùm: “Tôi quả quyết rằng xã hội không cần gia đình, gia đình là cái biểu chứng ngăn sự tiến bộ của xã hội…”; các quan điểm chứa đựng trong đề tài sách gia đình, của Tự Lực Văn Đoàn. Trong đó vấn đề giải phóng phụ nữ, trở thành sự quan tâm chung, song dưới sự thống trị của thực dân thì chẳng đổi thay được gì! Đến thời Pétain lên cầm quyền, đổi khẩu hiệu, từ “Bình đẳng – Tự do – Bác ái” sang “Cần lao – Gia đình – Tổ quốc”. Gia đình, có người cổ súy cho nó song cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu.

Cách mạng tháng Tám trở đi, nhất là thời kỳ đất nước bị chia làm hai miền, ta không có thời gian bàn về gia đình, song tự nó đã có những sụ biến đổi quan trọng. Các loại gia đình (miền Bắc) được thay thế bằng kiểu gia đình nông dân – xã viên và gia dình cán bộ, đặc biệt vấn đề giải phóng phụ nữ nổi bật lên.

Sự đòi hỏi của kháng chiến, của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội yêu cầu thanh niên phải xuất hiện với vai trò của mình, gia đình gần như phải chịu sự sắp xếp lại. Nông dân là xã viên không chịu tô tức, cống nạp, mọi người làm chung và chia sản phẩn, đời sống không cao nhưng không ai bị đói. Tuy vậy, ở các lọai gia đình nầy đã bộc lộ nhiều khuyết nhược điểm. Gia đình cán bộ sống bằng lương, có nhà cửa song thường lụp xụp. Gia đình cán bộ có ít nhà lập bàn thờ tổ tiên, ít quan tâm những việc thiết yếu của gia đình, việc dạy dỗ con cái, cho con học nhiều lớp, chạy thi thì phổ biến; tìm việc làm thêm, nhận gia công, buôn bán, thường bị phê bình.

Khía cạnh khác, cán bộ đảng viên cũng cam nhận tình trạng phá bỏ đình chùa, giải tỏa mồ mả bất họp lý, măc dầu hết sức đau lòng; các bộ gia phả cổ bị hủy họai, liên hệ họ hàng phải đề phòng, cán bộ có người dấu nhẹm lý lịch, giỗ tổ tiên ít người nhớ. Do đó vai trò của gia đình như xây dựng tổ ấm, hoàn thiện chúc năng giáo dục gia đình v..v  đang cựa quậy, âm ỉ tìm đuờng ra.

Mặt khác, gia đình xã viên, cán bộ cũng đã để lại ho chúng ta những tấm gương sáng với hàng vạn bà mẹ, bà vợ tiêu biểu, gương mẫu; hàng triêu thanh niên chiến đấu, anh dũng, hy sinh… Nhờ đâu có những tấm gương đó? Nhờ đức tính của người Việt Nam, nhờ tình yêu  dân tộc, lòng yêu nước; nhờ kết quả của truyền thống gia đình, do tâm thức vững bền trong mỗi con người Việt Nam.

Ở miền Nam, chế độ thực dân mới, nửa phong kiến và sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta, đã tạo ra hoặc tác động vào dòng họ – gia đình những yếu tố và tạo ra các loại gia đình thế nào?

Phe địch cố gắng hành xử, duy trì các lọai gia đình – dòng họ theo kiểu một phần phong kiến, một phần tư bản, Pháp, Mỹ; cũng có những người theo kiểu truyền thống.

Ta cố tuyên truyền và thực hiện đời sống mới, nếp sống mới. Cuộc đấu tranh khá quyết liệt.

Ở nông thôn, nông dân, những gia đình dồn sức cho cuộc chiến đấu bám đất giữ làng, tòng quân diệt giặc, mặc khác vẫn duy trì các hình thức tang tế, hôn nhơn truyền thống; các lễ chùa, đình đám thì tạm gác lại. Mê tín dị đoan giảm hẳn, có nơi ăn đủa hai đầu, ca hát tập thể, họ tin rằng phải xây dựng đời sống mới, để góp phần cải tạo đời sống.

Tình yêu bền chặt, chờ đợi chồng đi tập kết, những gương chiến đấu anh dũng hy sinh là nhiều vô kể, tất cả những điều đó đều có mối dây từ sự hun đúc, giáo dục truyền thống ở mỗi gia đình.

Ở các thành thị, có các cuộc vận động văn hóa dân tộc, phụ nữ đòi quyền sống, chống văn hóa phản động, đồi trụy, lai căng. Tuy vậy, một số gia đình cũng bị xâm hại tha hóa, mất chất

Ngày nay, đất nước ta là một, Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng chung lo xây dựng gia đình – dòng họ văn hóa, xây dựng đất nước thành một khối “dân giàu, nươc mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ủy ban quốc gia UNESCO VIỆT NAM tổ chức hội nghị “Gia đình và sự phát triển kinh tế xã hội”.

Ngày 22 và 23 tháng 8 năm 1996, Nhà nước ta tổ chức hội nghị tổng kết công tác gia đình văn hóa ở phía Bắc. Báo chí đã đề cập. Các tỉnh, thành phố ra quyết định công nhận các Hội đồng gia tộc, người dân đã qui tụ, nhận họ, lập nhà thờ tổ, lập gia phả, tổ chức khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài như đã nêu.

Yếu tố tâm linh trong dòng họ. Ta quan tâm đến phần sâu kín hơn trong tâm hồn con nguời, tiếp cận tới những gì thiêng liêng, huyền ảo, thiết thực, cụ thể nhưng khó chứng minh bằng khoa học hiện thời. Song trong thực tế đó là điều đang có trong nhân dân mà ta phải tôn trọng, hiểu, phải giải thích.

Việc thờ cúng trong gia đình – dòng họ. Mục đích của việc thờ cúng là tín ngưỡng, là văn hóa dân tộc, là thể hiện tâm lý “chết là thể phách còn là tinh anh”, chết cũng như còn, để vĩnh truyền tôn thống, là quan niệm của dân Việt Nam, như đã nêu.

Việc cúng bái là chữ hiếu, bao gồm “sống nuôi dưỡng tử tế, chết tôn thờ nghiêm túc”, đây cũng là dịp con cháu tề tựu đông đủ, mỗi năm một lần nhắc nhở công tích người chết giỗ, đồng thời cũng là dịp ăn uống, bồi dưỡng sức lao động.

Có đám giỗ tổ (giỗ hội) ở nhà từ đường, cũng có đám giỗ bình thường ở mỗi gia đình có thờ phượng từ ông bà sơ trở xuống. Trong lễ giỗ, ở bàn thờ gia tiên có nhang đèn, vật phẩm cúng tùy từng họ, có nơi cúng với hình thưc “việc lề” như ở Nam bộ, lễ cúng có khấn vái.

Văn khấn nêu rõ người được cúng là ai, con cháu là ai cúng, vật cúng là gì, song phần đặc biệt là lời cầu nguyên vong linh người chết hãy về độ trì, phù hộ cho con cháu, hậu duệ phúc đúc, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, công tác trọn vẹn. Lời cầu nguyện, van vái đó, dân ta tin rằng nó được tổ tiên chứng giám và sẵn lòng độ trì, chấp thuận.

Nhiều dòng họ đang cùng nhau xây dựng nhà từ đường của họ. Đây là nét văn hóa khác ta hãy quan tâm: xây dựng tôn nghiêm, tiết kiệm; kiểu cổ, kiểu tân là tùy nhưng phải có bài vị những bậc tiên tổ để chỗ tôn nghiêm, có lư nhang, chưn đèn.

Sách về nhà thờ tổ của các chi họ Hồ Việt Nam phát hành, đăng hầu hết các nhà thờ tổ của họ từ Bắc tới Nam. Họ Vũ/Võ ở Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương), xây nhà thờ họ to lớn, uy nghi. Họ Phan phía Nam cũng có nhà thờ tổ mới xây ở Vinh Lộc… Đây là trung tâm qui tụ, đoàn kết của những dòng họ khác nhau để thờ phượng và bàn bạc kế họach xây dựng dòng họ văn hóa (tiếp đó, các dòng họ khác nhau, đoàn kết với nhau để thành khối đoàn kết chung)

Trong họ làm gì để tạo phúc đức? Phúc đức là do tổ tiên tích lủy lại, phần khác do chúng ta chuyên làm điều lành. Phúc là cuộc sống yên lành thanh thản, là có hậu vận tốt. Có phúc không hẳn là chỉ có tiền của,  giàu có, mà phải có hai chữ ‘bình an”

“Vàng tuy trời chẳng trao tay,

Bình an hai chữ xem tài mấy mươi”

(Gia huấn ca)

Được tồn tại với thời gian, được yên bình là nhà có phức Nhà có phúc là nhà có con nối dõi tông đường, tồn tại, tiếp nối bao đời về sau, nhà có công tích làm rạng danh gia đình dòng họ, ăn ở tốt đẹp, không làm mất lòng làng xóm, để tiếng thơm, không ai trách cứ.

Ta không có quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Nhà không có con trai, ta có hai cách để tạo phúc – cũng là tổng kết từ truyền thống dòng họ Việt Nam:

Một, có con nuôi để thờ phượng,

Hai, “mua hậu”, nộp cho xã ấp tiền của (thường là đất đai) để được thờ phượng (theo sách “An Nam phong tục sách của Mai Viên Đòan Triên) mà nay không còn nữa, hoặc nữa ta còn có cháu, con anh, con em. Có những chàng rể lại thờ phượng tổ tiên nhà vợ đàng hòang. Nhà hay quốc gia phải trường tồn với thời gian, đây cũng chính là tâm linh!

Phải có lòng nhân nghĩa, nhân ái – lòng thương nguời, có đức mới tạo phúc đươc. Lòng nhân ái, tình người, thể hiện trong những việc nhỏ, song lòng phải trong sáng và phải trải qua thời gian. Có được lòng nhân thì trời sẽ chứng giám, đây là niềm tin mạnh mẽ, vì người Việt Nam tin có trời, thăm thẵm nghìn trùng mà công bằng, minh bạch khi ra tay thưởng phạt. Người dân từ cá nhân, đến từng gia đình và cả dòng họ, đã hướng theo lòng nhân ái này mà tu dưỡng. Phải từ ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu từ đất đai, nhà cửa, của cải cho đến sự học hành, cách đối xử.

Gia lễ là những cách thức, nề nếp, phép tắc định ra từ xa xưa  mà người trong họ phải theo. Quan (lễ kỷ niệm sự ra đời và trưởng thành của đứa trẻ), hôn, tang, tế là những lễ cơ bản trong gia đình, việc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp là không thể không làm.

(Sách “Thọ Mai gia lễ” do Hồ Sĩ Tân, đỗ Tiến sĩ năm 1721 đã sọan ra để thực hiện các lễ trong mỗi nhà và được các gia đình hưởng ứng, mặc dầu có nhiều điều hiện nay không còn thích hợp).

Gia pháp, gia phong, gia huấn: Gia pháp là phép tắc (luật lệ) trong gia đình, bất thành văn. Gia phong là nếp, điều con cháu luôn phải gìn giữ, không làm trái, không làm điếm nhục gia phong, gia huấn là những điều đem ra dạy bảo trong gia đình. Nó thể hiện trong mỗi gia đình hoặc đậm nhạt khác nhau, song ở đâu, lúc nào cũng có (xem sách “Văn hóa gia đình Việt Nam” của GS Vũ Ngọc Khánh, NXB Văn Hóa Thông tin)

Truyền thống dòng họ bao gồm truyền thống văn hóa, truyền thống lao động  và truyền thống yêu nước, cả ba nội dung trên un đúc thành truyền thống dân tộc Việt Nam. Truyền thống lao động chủ yếu là nói về người nông dân, cày sâu cuốc bẩm, bạt núi phá rừng, canh tác trên ruộng đồng để tạo cuộc sống cho con cái. Họ thi gan cùng mưa nắng, gian khổ không cùng, tất cả đều xuất phát từ gia đình nông nghiệp. Là người yêu nước, bị ngọai xâm liên tục, ý chí chống ngọai xâm là thường trực trong con người Việt Nam.

  1. Nhận thức các vấn đề then chốt về gia phả:Ta chọn từ gia phả để chỉ chung tông phả, tộc phả, ngọc điệp, là lịch sử của một chi họ cụ thể, ghi theo kiểu riêng, đặc trưng. Ở ba miền: Bắc, Trung, Nam nơi nào, người dân cũng quan tâm đến gia phả, song phần lớn chỉ ghi trong ký ức và sử dụng lối truyền miệng để phổ biến, nên không liên tục, không đầy đủ và mất mát dần.

Có những chi họ, do hoàn cảnh mà phải đổi họ.

Qua công cuộc dựng phả, nghiên cứu và sưu tầm, hiện nay ta có được và nắm biết được nhiều bộ gia phả xưa (phần lớn vào thời Nguyễn), có những bộ nêu tỉ mỉ, hoàn chỉnh, không bị những quan điểm sai trái chi phối.

Phần 4: SỰ NGHIỆP DỰNG GIA PHẢ CHO CÁC DÒNG HỌ LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ KHOA HỌC

Lịch sử Gia phả Việt Nam có từ khi nào?

Ta có thời kỳ huyền phả, thời kỳ phôi thai và thời kỳ xuất hiện. Theo sách “Lịch triều Hiến chương lọai chí” của Phan Huy Chú, nước ta bắt đầu có gia phả từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thú 17, Lý Thái Tổ (Bính Dần 1026) có lịnh biên sọan Hòang triều ngọc điệp.

Trung Quốc có gia phả từ khi xuất hiện sách “Thế bản”  thời nhà Chu (1111 – 256 trước CN). Châu Âu, thế kỷ thứ V mới bắt đầu thời kỳ phôi thai của gia phả.

Như vậy gia phả Việt Nam có sau gia phả Trung Quốc là hơn 1000 nắm; có trước gia phả Châu Âu là 200 năm. Các nhà làm gia phả Việt Nam đang đặt vấn đề: trước thời Lý, gia phả Việt Nam đã có, nhứt là khi ta có thể mượn chữ Hán để ghi, song tại sao hiện nay ta không có bộ gia phả nào cụ thể để làm chứng?

Trong sách “Di sản Hán – Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” của Viện Hán – Nôm Hà nội, có khỏang 300 bộ gia phả cổ. Trung tâm dựng 90 bộ, trong các dòng họ đang giữ (gia phả cổ) mà ta bắt gặp ngày càng nhiều. Trong đó, có 8 quyển, do Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, đã dịch và lược khảo những bộ gia phả như: “Đinh tộc gia phả’. “Lê thị gia phả”, Vũ tộc thế hệ sự tích”, “Nguyễn gia phả ký”, Mạc thị gia phả”. Cộng với các tài liệu, sách vở nghiên cứu; ta vừa hiểu được lịch sử, vừa rút ra được những nội dung, cách dựng phả, những quan điểm đúng/sai, bố cục bộ phả. May mắn, chúng ta đã xây dựng được bước đi đúng và tạo ra các cách thức, mẫu hình thích hợp để dựng được bộ phả hoàn chỉnh mà các dòng họ chấp nhận và đúng cho sự nghiệp và quá trình dựng phả ngày hôm nay.

– Tên bộ gia phả: phải lấy tên theo địa lý hành chánh hiện nay, ghi trước hết thí dụ: GIA PHẢ HỌ VÕ, ẤP BÀ GIẢ, XÃ PHƯỚC VĨNH AN, HUYÊN CỦ CHI, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

– Lời tựa: Nêu lý do dựng gia phả, quá trình, kết quả, đã cùng làm với ai, ưu khuyết, đề nghị con cháu bổ khuyết và ký tên người dựng trong họ.

– Phả ký: Là lịch sử phát tích dòng hộ với ông bà tổ sinh sống tại tổ quán này (địa chí ấp), trải qua từng thế hệ (đời) cho đến ngày nay. Đúc kết đặc điểm, tính chất dòng họ, những ưu điểm và đề xuất phương hướng xây dụng dòng họ văn hóa. Viết phần nầy là khó, phải sử dụng tài liệu, tư liệu sử và kiến thức sẵn có của chúng ta.

– Tộc hệ, Phả hệ: Đây là cách viết sử theo cách riêng cho gia phả, ghi theo từng chi, chi trưởng ghi trước, chi thứ ghi sau, con cả (thứ hai) ghi trước, con thứ ghi sau. Trước tiên, ghi trong khung tên họ cả chồng và vợ (nếu có), ghi năm sanh, năm mất, ghi ngày giỗ, tất cả theo âm lịch. Ghi kỷ sự, hành trạng, công tích từng người. Cuối cùng ghi thứ tự các con.

– Phả đồ: Có nhiều cách vẽ phả đồ, có thể theo cách sơ đồ tổ chức, vòng tròng đồng tâm, cây gia phả, theo mẫu kiểu vi tính…

– Ngọai phả: Ghi việc thờ cúng tổ tiên, giỗ tộc, giỗ chạp, văn khấn trong họ, nhà thờ tộc, hội đồng gia tộc nếu có, mô tả các khu mộ.

– Phụ khảo: Ghi lịch sử thôn ấp, sinh họat địa phương, đình, chùa, trường học, chợ, bến đò. Ghi tiểu sử những người có công tích, mẹ Việt Nam anh hùng. Có khi ghi sơ lược gia phả bà cố ngoại, bà ngoại, hoặc mẹ vào phần nầy.

Vai trò Hán – Nôm trong việc dựng phả: Có dòng họ có gia phả cổ ta phải dịch. Cần sở học về Hán – Nôm cổ, có khi phải dịch những câu liễn, các văn tự khác bằng chữ Hán.

Cách ghi kỷ sự, hành trạng, công tích:  Môn tiểu sử học hướng dẫn cách ghi lai lịch, lý lịch một người: Họ tên đang dùng, họ tên khai sanh, các bí danh, tên húy, tên hiệu. Ngày tháng năm sinh, tổ quán, trú quán; dân tộc, tôn giáo, thành phần gia đình, thành phần và nghề nghiệp bản thân, trình độ văn hóa, ngọai ngữ; ngày và nơi tham gia các tổ chức, ngày vào đảng, chức vụ, nhiệm vụ trải qua, hoàn cảnh gia đình.

Quan hệ xã hội: học trường nào, trình độ tốt nghiệp, quan hệ với ai, đời sống, nếp sống, lịch sử bản thân tlúc nhỏ, lớn lên, lúc tham gia cách mạng, năng lực sở trường…

Cách ghi địa chí thôn ấp: Mô tả về địa lý, lịch sử,  các dòng họ sống chung, đình chùa, chợ búa trong ấp, các lọai bản đồ thôn ấp (thường phải tự vẽ).

Cần nắm vững, nắm chắc về qua trình Nam tiến của các đợt di dân từ Trung, Bắc vào, ở đâu vào, tên, tính chất đợt di dân, năm nào, đợt nào, vào đâu để có thể liên hệ với dòng họ ta đang dựng phả.

Chúng ta phải có kỷ năng và bản năng dựng phả. Bản năng là cái vốn có, từ trong chiều sâu của mỗi thành viên, nay ta phát hiện, nhận ra và thổi bùng để nó cháy lên thành ngọn lửa say mê của sự nghiệp dựng phả trong chúng ta. Sự nghiệp nầy sẽ tác động, góp một phần làm ấm lên mỗi họ tộc, bởi dòng họ có phả là dòng họ đã thay đổi về chất rồi!

Sách tham khảo:

– Văn hóa Huế xưa của Lê Nguyễn Lưu,

– Văn hóa gia đình Việt Nam của GS Vũ Ngọc Khánh.

– Các sách thuộc Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam do GS Phan Huy Lê chủ nhiệm.

– 90 quyển gia phả do Trung tâm gia phả TP HCM dựng

– Các bộ gia phả Hán – Nôm do Trung tâm địch.

  VÕ NGỌC AN

(Còn tiếp)


Gia Phả Đại Việt online – Phần mềm quản lý gia phả trực tuyến được phát triển và quản lý bởi Công ty Công nghệ Đại Việt Số

Gia Phả Đại Việt online – Phần mềm quản lý gia phả trực tuyến được phát triển và quản lý bởi Công ty Công nghệ Đại Việt Số

Gia Phả Đại Việt – Phần mềm quản lý gia phả trực tuyến dành cho mọi gia đình.

Hotline/ zalo(+84) 905091805

Fanpage: https://www.facebook.com/giaphadaiviet.vn

Hoặc truy cập websitehttps://giaphadaiviet.vn/ để tham khảo các gói dịch vụ của chúng tôi.